HỨA HẸN NHIỀU 'GAM MÀU' TƯƠI SÁNG TRONG LĨNH VỰC BẤT ĐỘNG SẢN 2021

35

Bất động sản “thăng - trầm” nhiều cung bậc

Năm 2020, dịch Covid-19 khiến cho các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về dòng tiền bởi việc tổ chức mở bán dự án bị hoãn liên tục và nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến khoảng 80% sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, không phát sinh giao dịch. Nhiều cá nhân môi giới thất nghiệp. Nhiều doanh nghiệp địa ốc chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động. Tính đến tháng 12/2020, có tới 1.272 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng hơn 117% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, chưa bao giờ thị trường bất động sản lại trải qua những thời khắc khó khăn và “trầm lắng” như năm 2020. Tuy nhiên, thị trường bất động sản cũng dần thích ứng với những thử thách của bối cảnh để cầm cự và nắm lấy cơ hội, tiếp tục tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2020, hầu hết các loại hình bất động sản đều chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, khiến mức độ quan tâm của nhà đầu tư giảm mạnh. Tuy nhiên, đến quý IV/2020, cả nước có 295 dự án, với 125.449 căn hộ được cấp phép; du lịch nghỉ dưỡng có 49 dự án, với 3.772 căn hộ du lịch, 3.505 biệt thự du lịch và 48 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép. Tổng hợp từ 56/63 địa phương có báo cáo số liệu cho thấy, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý IV/2020 tăng tới 82% so với quý III/2020, nhất là có 36.884 giao dịch bất động sản thành công… Đó là những điểm sáng của thị trường, khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát.

Gỡ “nút thắt” về pháp lý

“2020 là một năm nhiều nốt trầm với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường được dự báo sớm phục hồi và phát triển lớn mạnh trong giai đoạn tiếp theo 2021 - 2022 nhờ khung khổ pháp lý dần được hoàn thiện” - ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm (2016 - 2020) của Bộ Xây dựng cho thấy, mặc dù bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng khi dịch bệnh dần được kiểm soát, hoạt động kinh doanh bất động sản trên cả nước đã bắt đầu sôi động trong những tháng cuối năm 2020, với nhiều dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ nhờ hàng loạt chính sách mới trực tiếp hỗ trợ thị trường, nhất là các Luật Đầu tư sửa đổi 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và các thông tư về phát triển các loại hình bất động sản…

Đáng chú ý, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14). Trong đó, nhiều quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2020 như: quy định về thẩm quyền báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng của chủ đầu tư; quy định về miễn giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế; quy định về bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng và giao UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt...

Các quy định mới này đã thổi “luồng gió mới”, tạo thuận lợi cho công tác quản lý của các bộ, ngành, địa phương, cũng như người dân trong xây dựng công trình; đồng thời, chủ đầu tư tháo gỡ được những “nút thắt” trong việc phê duyệt các dự án khu dân cư, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng.

Hoạt động kinh doanh bất động sản đặc biệt nhạy cảm với việc thay đổi chính sách của Nhà nước. Các chính sách bổ sung về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất condotel, officetel; thúc đẩy các dự án chậm triển khai và các chính sách liên quan như nới lỏng tín dụng ngân hàng; giảm thuế, quỹ và các công cụ tài chính; tăng trách nhiệm cho chủ đầu tư…, sẽ đảm bảo cho thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn.

Sự trỗi dậy của các vùng đất mới

Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, quỹ đất ở các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang dần cạn kiệt, theo đó, sự trỗi dậy của những vùng đất mới đã trở thành một trong những xu hướng chính chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhiều năm trở lại đây. Xu hướng này sẽ không giảm tốc trong năm 2021.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, TP. Hồ Chí Minh có tỷ lệ căn hộ giao dịch thành công giảm khoảng 60% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tại Bình Dương, tỷ lệ này tăng tới 276%. Hay tại Quy Nhơn (Bình Định), giá đất nền vẫn giữ ở mức cao và có khu vực tăng gấp đôi so với thời điểm giữa năm 2019. Đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho biết, khi phân tích hàng chục triệu dữ liệu phản ánh hành vi nhà đầu tư cá nhân cho thấy sự sụt giảm mạnh mẽ ở các thị trường đầu tư truyền thống; có những thời điểm mức độ sụt giảm của các thị trường này xấp xỉ 60 - 70%, thay vào đó là sự gia tăng của các thị trường mới, khu vực ven đô.

Thực tế, xu hướng ly tâm để dịch chuyển về các thị trường mới đã diễn ra trong nhiều năm nay và dự kiến sẽ không giảm tốc trong 2021, đặc biệt tại những điểm sáng như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình…

Một yếu tố khác giúp các vùng đất mới được quan tâm đó là: Hạ tầng giao thông kết nối giữa địa phương với các khu vực trung tâm ngày một phát triển giúp cho việc đi lại trở nên thuận tiện hơn, càng tạo lực đẩy cho nhà đầu tư mạnh dạn đón sóng ở các thị trường mới nổi. Những dự án giao thông lớn có tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản ở cả 3 miền.

Hotline
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢNG HÀNG CHI TIẾT
Họ và tên *
Số điện thoại *
×